top of page

Thị trường đỏ lửa, cổ phiếu nào ngược sóng?

Đã cập nhật: 2 thg 6, 2023


VN-Index lao dốc trong phiên chiều.

Áp lực bán hạ giá đã tăng lên đáng kể trong phiên chiều, tạo sức ép lớn trên diện rộng khiến cổ phiếu giảm giá áp đảo hoàn toàn tăng. VN-Index giảm nhẹ 5,47 điểm tương đương -0,51% nhờ VHM, VIC và VCB vẫn nỗ lực giữ giá. Khoảng 70 cổ phiếu trong chỉ số này vẫn tăng ngược dòng biên độ hơn 1%, nhiều mã còn dòng tiền mạnh hoạt động...


Chốt phiên sáng độ rộng sàn HoSE cân bằng với 177 mã tăng/175 mã giảm. Đến gần 2h chiều VN-Index mới bổ nhào xuống dưới tham chiếu, nhưng độ rộng đã nghiêng về phía giảm giá ngay từ những phút đầu tiên của phiên chiều. Áp lực bán hạ giá đã tăng lên trên diện rộng khiến cổ phiếu hạ độ cao và rơi qua tham chiếu cả loạt. Kết phiên VN-Index chỉ còn 141 mã tăng/246 mã giảm.


Thị trường liên tiếp chứng kiến các phiên chiều có sức ép bán gia tăng, dù chỉ số có thể dập dình nhờ trụ. Chiều nay VIC có cải thiện giá nhẹ so với phiên sáng, tăng thêm 0,19% nhưng cũng không đáng kể khi chỉ tăng trung cuộc 0,57%. VHM lẫn VCB tụt giá nhẹ và vẫn làm tốt nhiệm vụ “giảm xóc” cho chỉ số. 3 trụ này đỡ lại 1,8 điểm cho VN-Index.


Tuy vậy mặt bằng giá hạ xuống là quá rõ. Riêng rổ VN30, chiều nay có 25/30 mã tụt giá so với phiên sáng và độ rộng cuối ngày chỉ còn 6 mã tăng/23 mã giảm trong khi cuối phiên sáng vẫn là 10 mã tăng/14 mã giảm. Nhóm ngân hàng tụt giá đáng kể và chỉ còn VCB, HDB trụ lại trên tham chiếu. VPB giảm 2,04%, CTG giảm 1,61%, TCB giảm 1,58%, MBB giảm 1,86%. Đó là 4 mã kéo tụt điểm nhiều nhất của VN-Index. Không có gì bất ngờ khi cổ phiếu ngân hàng yếu đã tác động mạnh hơn lên VN30-Index, khiến chỉ số này đóng cửa giảm 0,7%. Trong toàn nhóm ngân hàng trên các sàn chỉ có 4 mã tăng nhưng tới 18 mã giảm, trong đó 12 mã giảm hơn 1%.


Xếp theo giá trị khớp lệnh cho thấy cổ phiếu có thanh khoản càng lớn thì giảm giá càng rõ. Điều này phản ánh áp lực bán tăng cao.

Với độ rộng chuyển sang tiêu cực, mặt bằng giá cổ phiếu nói chung cũng thấp hơn nhiều so với phiên sáng. Midcap giảm 1,03%, Smallcap giảm 0,18%. Nhóm cổ phiếu nhỏ vẫn đang trụ giá tốt hơn phần còn lại, thậm chí nhiều mã còn ngược dòng hoành tráng.


Trong 70 cổ phiếu HoSE có biên độ tăng trên 1%, cũng có nhiều cổ phiếu thu hút dòng tiền khá mạnh. 12 mã kịch trần xuất hiện LDG thanh khoản 81,7 tỷ đồng, DXS giao dịch 50 tỷ, HHS giao dịch 49,8 tỷ. Ngoài ra, số khác giao dịch khá xuất sắc phải kể tới DBC tăng 1,79% với thanh khoản đứng thứ 10 thị trường đạt 210,8 tỷ; TCH tăng 6,78% với 210,3 tỷ; AAA tăng 1,84% với 80,9 tỷ; SBT tăng 1,23% với 79,5 tỷ; ANV tăng 1,06% với 70 tỷ; KHG tăng 1,65% với 57,9 tỷ; TTF tăng 2,78% với 52,9 tỷ… Các cổ phiếu này không thật sự đại diện cho nhóm ngành mà tăng giá dựa trên sức mạnh riêng rẽ.


Dù vẫn có khá nhiều điểm sáng, tổng thể phiên giao dịch hôm nay vẫn là một ngày xả hàng. Buổi sáng thị trường giằng co thậm chí còn tăng nhẹ ít phút cuối. Sang chiều giá chỉ có lao dốc. Thanh khoản hai sàn chiều nay tăng 37% so với buổi sáng, đạt 7.666 tỷ đồng, cao nhất 20 phiên. Sàn HoSE tăng giao dịch 35% đạt gần 6.690 tỷ đồng, VN30 tăng 59% đạt 2.355 tỷ đồng. Với thanh khoản lớn hơn hẳn nhưng mặt bằng giá hạ xuống thấp hơn, rõ ràng phải có lực bán mạnh xuất hiện.


Khối nội vẫn là động lực ép thị trường, khi nhà đầu tư nước ngoài buổi chiều đã quay xe mua ròng 137,1 tỷ đồng. Tuy nhiên buổi sáng khối này xả nhẹ, nên tính chung cả ngày mức mua ròng khoảng 102,8 tỷ đồng. HPG được mua ròng lớn nhất với 215,4 tỷ đồng, VHM +74,5 tỷ, VIC +32 tỷ, VRE +29,9 tỷ, HDB +21,8 tỷ, POW +34,3 tỷ. Phía bán ròng có VNM -84,9 tỷ, SHB -49,3 tỷ, STB -47 tỷ, CTG -41,9 tỷ, KBC -34,4 tỷ.



Theo Vneconomy



Theo dõi tiếp các bài viết của chúng tôi tại www.finverse.vn





bottom of page