top of page

VCCI lo ngại giấy phép con trong dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản

Đã cập nhật: 2 thg 6, 2023

Ngày 31.5, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết vừa có văn bản gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về một số góp ý đối với Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Lo ngại thêm giấy phép con


VCCI cho biết, rà soát toàn bộ Dự thảo, vẫn còn một số quy định chưa thể hiện được tinh thần cải cách thủ tục hành chính, thậm chí còn làm hoạt động kinh doanh kém thuận lợi hơn vì phải thực hiện thêm nhiều thủ tục.


Cụ thể như Dự thảo đang thiết kế quy định theo hướng trước khi thực hiện các giao dịch bất động sản (BĐS) như: Bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai (khoản 2 Điều 25); Ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật theo hình thức phân lô bán nền (khoản 4 Điều 32), chủ đầu tư phải gửi văn bản thông báo tới cơ quan có thẩm quyền quản lý kinh doanh BĐS cấp tỉnh về việc đủ điều kiện.


Cơ quan nhà nước có thẩm quyền sau đó sẽ tiến hành kiểm tra thực tế và ra văn bản về việc có đáp ứng điều kiện để thực hiện giao dịch hay không.


"Đây được xem là một dạng “giấy phép con” trong quá trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và làm cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trở nên phức tạp, khó khăn hơn.


Việc kiểm soát điều kiện nhà ở hình thành trong tương lai hay quyền sử dụng đất có đủ điều kiện để thực hiện giao dịch hay không nên kiểm soát thông qua hình thức hậu kiểm và chế tài áp dụng nếu chủ đầu tư dự án vi phạm thay vì hình thức “tiền kiểm” như thiết kế tại Dự thảo" - phía VCCI nêu quan điểm.


Về đề xuất giao dịch BĐS phải thông qua sàn


Điều 57 Dự thảo yêu cầu, việc “bán, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai và chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án BĐS để người dân tự xây dựng nhà ở phải thực hiện thông qua sàn giao dịch BĐS”.


VCCI cho hay đây là nội dung nhận được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp, hiệp hội. Các doanh nghiệp cho rằng, mặc dù, các giao dịch BĐS trên sàn sẽ tạo nên sự minh bạch về thông tin, giúp nhà nước quản lý được thông tin về thị trường BĐS, tuy nhiên quy định trên sẽ gặp một số vấn đề.

Các doanh nghiệp phản hồi đề xuất giao dịch BĐS phải qua sàn trong dự thảo Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi)sẽ làm gia tăng chi phí. Ảnh: Phan Anh.
Các doanh nghiệp phản hồi đề xuất giao dịch BĐS phải qua sàn trong dự thảo Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi)sẽ làm gia tăng chi phí. Ảnh: Phan Anh.

Cụ thể, làm gia tăng chi phí trong giao dịch BĐS: theo phản ánh, khi chuyển sang hình thức sàn giao dịch BĐS, chi phí trung gian mà bên mua, bên bán phải gánh chịu sẽ cao hơn phí công chứng (phí công chứng là không quá 0,1% giá trị hợp đồng, chi phí trung gian khi giao dịch qua sàn vào khoảng 2% hoặc thậm chí lên đến 8% giá trị hợp đồng).


Chi phí này sẽ được đẩy vào giá bán nhà và khiến cho giá của BĐS tăng cao hơn, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của khách hàng và khả năng tiếp cận nhà của người dân.


Đồng thời hạn chế khả năng chào bán sản phẩm của các doanh nghiệp kinh doanh BĐS: Một số doanh nghiệp cho rằng, các doanh nghiệp kinh doanh BĐS có các bộ phận chuyên nghiệp giới thiệu, chào bán sản phẩm BĐS và có các phương thức chào bán hiệu quả.


Việc giới hạn các giao dịch BĐS phải thực hiện qua sàn sẽ làm hạn chế việc tự chủ kinh doanh và lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh, tự do tìm kiếm thị trường,...


Trước đây, Luật Kinh doanh BĐS 2006 cũng yêu cầu “Tổ chức, cá nhân kinh doanh BĐS khi bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua BĐS phải thông qua sàn giao dịch BĐS”. Tuy nhiên, quy định này đã được bỏ tại Luật Kinh doanh BĐS 2014 bởi tính khả thi và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp về thủ tục.


"Việc Dự thảo khôi phục lại yêu cầu một số các giao dịch BĐS phải thông qua sàn môi giới BĐS tại Điều 57 cần được đánh giá tác động một cách kỹ càng để đảm bảo giảm chi phí kinh doanh và tính khả thi khi triển khai trên thực tế. Quy định giao dịch qua sàn, đề nghị cân nhắc quy định theo hướng là sự lựa chọn thay vì bắt buộc" - VCCI nêu quan điểm.


Theo Lao Động


Theo dõi tiếp các bài viết của chúng tôi tại www.finverse.vn

bottom of page