Các chuyên gia Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) cho rằng, xu hướng tăng lãi suất ngắn hạn khiến các nhà đầu tư yêu cầu lợi nhuận cao hơn từ thị trường chứng khoán, điều đó có thể là “một cơn gió ngược” gây khó cho sự phục hồi.
Hình ảnh từ nguồn Báo Điện Tử Chính Phủ
Từ cuối năm 2022, trước áp lực lạm phát và tỷ giá, các ngân hàng đã tăng lãi suất huy động để cải thiện khả năng thanh khoản. Trải qua hơn 1 tháng đầu của năm 2023, dòng vốn vào ngân hàng tiếp tục tăng. Cùng đó, tạo ra áp lực chốt lời trên thị trường chứng khoán (TTCK) nói chung, đặc biệt là ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.
“Các nhà đầu tư nên chọn lọc hơn, chú ý đánh giá sâu hơn về giá trị nội tại, triển vọng tăng trưởng và chất lượng tài sản của từng cổ phiếu riêng lẻ trước khi đưa ra quyết định đầu tư’ - khuyến cáo từ Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam), tuy rằng TTCK Việt Nam vẫn tương đối hấp dẫn xét về triển vọng tăng trưởng kinh tế và thu nhập doanh nghiệp (DN).
Một trong những nhóm cổ phiếu được chú ý nhất là bất động sản. Tại hội nghị với DN bất động sản ngày 8/2 mới đây, Ngân hàng Nhà nước khẳng định không siết chặt tín dụng lĩnh vực này. Cụ thể, dư nợ tín dụng bất động sản đến cuối năm 2022 đạt khoảng 2,58 triệu tỷ đồng, tăng hơn 24% so với cuối năm 2021 và là một trong những lĩnh vực được giải ngân với mức tăng cao nhất. Tính đến cuối 2022, bất động sản chiếm tỷ trọng 21,2% tổng dư nợ với nền kinh tế - là mức cao nhất trong 5 năm qua.
Đó là thông tin tích cực cho TTCK. Giới chuyên gia tài chính cho rằng, xét về ngắn hạn, VN-Index đang bị thử thách, nhưng một số yếu tố vận động tích cực cũng đã xuất hiện ở trung hạn; TTCK cần thêm thời gian để cân bằng và tích lũy để tăng trưởng trở lại.
Tuy nhiên, cái khó cho TTCK nếu như các ngân hàng thương mại vẫn tiếp tục cuộc đua lãi suất huy động, trên dưới 10%/năm. Tiền gửi tiết kiệm vốn đã là kênh đầu tư truyền thống được người dân chọn lựa cho khoản tiền nhàn rỗi, thì lại càng hấp dẫn hơn khi nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động trong khi các kênh đầu tư khác tiềm ẩn rủi ro. Theo Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS), lãi suất huy động cao sẽ tác động tới các chủ thể trong nền kinh tế, trong đó có TTCK. Với TTCK, mặt bằng lãi suất tăng lên sẽ khiến lợi nhuận các DN có khả năng suy giảm và làm giảm định giá cổ phiếu do chi phí sử dụng vốn tăng lên. Vì vậy, cũng sẽ ít kỳ vọng lợi nhuận vượt trội đối với TTCK.
Các DN thường vay tiền từ ngân hàng thương mại để duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh. Khi lãi suất đi vay tăng, DN có thể trì hoãn các kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh, gây ảnh hưởng đến tăng trưởng doanh thu cũng như lợi nhuận; tác động trực tiếp tới TTCK khi tâm lý thận trọng của nhà đầu tư kéo dài.
Là một kênh huy động vốn quan trọng, TTCK phụ thuộc nhiều vào việc ngân hàng huy động mức lãi suất cũng như cho vay ra sao. Ông Lê Chí Phúc (SGI Capital) cho rằng, khi lãi suất tăng thì lợi nhuận, doanh thu của DN cũng sẽ bị ảnh hưởng do chịu chi phí cao hơn, đặc biệt những DN sử dụng tỷ lệ đòn bẩy tài chính từ nguồn vốn vay lãi suất cao. Điều đó phản ánh rõ về mức độ tăng trưởng của DN không còn nữa thậm chí suy giảm, tất yếu dẫn đến đà giảm của cổ phiếu.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Hải (Công ty TNHH Quản lý Quỹ Manulife Investment Việt Nam) cho rằng, lãi suất cao khiến chi phí cơ hội của việc đầu tư cũng tăng lên và các nhà đầu tư sẽ phải cân nhắc rất nhiều khi bỏ tiền đầu tư vào TTCK. “Rõ nhất là với các DN, lãi suất tăng lên sẽ khiến chi phí vốn tăng lên và làm giảm lợi nhuận, khiến các DN cũng sẽ phải cân nhắc nhiều hơn khi muốn mở rộng sản xuất kinh doanh” - ông Hải nói.
Như vậy, ở thời điểm này, việc giảm lãi suất huy động cũng như giảm lãi suất cho vay của hệ thống ngân hàng là cần thiết để “cùng thắng”. Nói riêng với chứng khoán, như vậy sẽ có cơ hội bật tăng khi mà dòng tiền đầu tư sẽ trở lại với thị trường.
Theo ông Andrew Jeffries - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam, bất chấp những lo ngại về kinh tế toàn cầu, áp lực lạm phát, sự sụt giá đồng tiền và những thách thức khác, kinh tế Việt Nam năm 2022 vẫn tăng trưởng 8,02%. Đây là mức cao nhất trong hơn một thập kỷ qua và cao hơn mục tiêu ban đầu của Chính phủ là 6-6,5%. Như vậy, Việt Nam vẫn là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực.
Theo Đại Đoàn Kết
Theo dõi tiếp các bài viết của chúng tôi tại www.finverse.vn
Comments