top of page

Cổ phiếu chiều 26-9: Ai cứu thị trường thoát "đáy"?

Phiên giao dịch cổ phiếu hôm nay, 26-9, thị trường sụt giảm rất mạnh khi nhóm cổ phiếu bất động sản, ngân hàng, chứng khoán… bị bán tháo


Tiếp sau đợt giảm mạnh vào sáng 26-9, bước vào phiên buổi chiều, tình hình giao dịch không được cải thiện, đà giảm giá cổ phiếu vẫn tăng và lan rộng ra nhiều nhóm ngành. VN-Index có lúc giảm hơn 40 điểm để lùi về ngưỡng 1.150 điểm; HNX-Index giảm sâu gần 13 điểm xuống 251,62 điểm.


Đến gần cuối ngày, một số cổ phiếu các nhóm ngành xây dựng - đầu tư công, lương thực - thực phẩm (TAR, LTG), dầu khí (PVS, PVD, GAS), bảo hiểm (BVH, MIG, BMI)... cho thấy tín hiệu thu hút được dòng tiền và thu hẹp đà giảm. Các chỉ số cũng "rút chân" đáng kể.

Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, tuy chỉ số VN-Index đóng cửa tại 1.1174 điểm, giảm gần 29 điểm nhưng thanh khoản đã được cải thiện, khối lượng giao dịch đạt 757 triệu cổ phiếu, tăng 272 triệu cổ phiếu so với so với phiên trước là 485 triệu cổ phiếu, giá trị giao dịch hơn 17.552 tỉ đồng, gần gấp đôi phiên trước.


Trên sàn HoSE có 42 mã xanh sàn, 462 mã giảm giá. Sàn Hà Nội (HNX) có 41 mã tăng, 164 mã giảm và sàn UPCoM có 76 mã tăng, 245 mã giảm. Trong số này vẫn còn hơn 40 mã giảm sàn bao gồm rất nhiều cổ phiếu bất động sản.


Cổ phiếu hôm nay cũng bị nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng, góp phần làm cho chỉ số VN-Index mất hàng chục điểm. Cụ thể, nhóm này bán ròng 558 tỉ đồng, trong đó các mã cổ phiếu bị bán nhiều nhất thuộc nhóm bất động sản, bao gồm NLG (Nam Long, gần 179 tỉ đồng), KDH (Khang Điền, 140 tỉ đồng)…


Liên quan đến giao dịch các mã bất động sản có khối lượng khớp lệnh hàng chục triệu cổ phiếu, giới đầu tư có những nhận định trái chiều. Một số ý kiến cho rằng do thị trường nhà đất đang khát vốn nên hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn, ảnh hưởng đến giá cổ phiếu ngành này.


Ngược lại, không ít nhà đầu tư đang kỳ vọng giá nhà đất sẽ nóng lên, hoạt động của doanh nghiệp bất động sản sẽ khởi sắc khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ ngành, chính quyền các tỉnh, thành phố đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, nhiều dự án hạ tầng giao thông đang tích cực triển khai trên cả nước, nhất là dự án đường Vành đai 3 ở TP HCM.


Từ đó, có thể họ suy đoán trong dài hạn, giá cổ phiếu bất động sản sẽ đi lên. Thế nên, khi bên bán đặt lệnh bán với giá thấp, nhiều người đã mua vào để dành cho tương lai.


Theo giới phân tích, với làn sóng tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương thế giới và động thái nâng lãi suất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tâm lý nhà đầu tư đã trở nên thiếu lạc quan. Chính sách tiền tệ thắt chặt của nhiều quốc gia đã ảnh hưởng trực tiếp đến định giá đầu tư, và thanh khoản cổ phiếu.


Do đó, áp lực bán xảy ra là diễn biến chung của thị trường chứng khoán trong và ngoài nước. Đơn cử, hôm nay (26-9), chỉ số Nikkei 225 (Nhật Bản) giảm 2,66%, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông - Trung Quốc giảm 0,26%...


Tuy vậy, Việt Nam đang nỗ lực để thúc đẩy mảng đầu tư công - một phương pháp để thúc đẩy kinh tế trong nước. Theo đó, các mã cổ phiếu liên quan đến đầu tư công có thể được nhà đầu tư quan tâm trong phiên tiếp theo.

Theo báo Người lao động


Theo dõi tiếp các bài viết của chúng tôi tại

bottom of page