top of page

Quảng Trị: Đất giảm giá 50% vẫn không có người mua

Năm 2023, tỉnh Quảng Trị được giao nhiệm vụ thu ngân sách thông qua đấu giá quyền sử dụng đất là 800 tỉ đồng. Dù đã tổ chức một số phiên đấu giá, nhưng gần hết quý I, cả tỉnh chỉ mới thu được vài chục tỉ đồng.


Khu đô thị Nam Đông Hà. Ảnh: Hưng Thơ.

Giá thị trường có nơi giảm hơn 50%

Cuối năm 2021, đầu năm 2022, tại tỉnh Quảng Trị xảy ra tình trạng sốt đất, đặc biệt là ở Khu đô thị Nam Đông Hà (thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị).


Vào thời điểm đó, 1 lô đất có diện tích 8 mét chiều ngang và 24 mét chiều dài ở vị trí mặt tiền đường Trịnh Hoài Đức (Khu đô thị Nam Đông Hà) có giá 3,9 tỉ đồng. Nhưng bây giờ, cũng lô đất đó, giá rớt xuống khoảng 2 tỉ đồng, có lúc được rao với giá 1,8 tỉ đồng, nhưng cũng không có giao dịch.


Cũng vào thời điểm sốt đất, các lô đất cạnh dự án Khu đô thị Thương mại dịch vụ Nam Đông Hà của Vincom có lúc tăng giá theo giờ. Trên đường Đại Cồ Việt, mỗi mét ngang các lô đất có lúc tăng lên 1 tỉ đồng, sau đó giá giảm xuống, còn khoảng 500 triệu đồng, nhưng cũng hiếm giao dịch.


Giá đất ở trung tâm thành phố Đông Hà giảm, thì ở các vùng ven, giá các lô đất được người dân tự phân lô có nơi giảm rất sâu.


Giá đất giảm sâu như vậy, nhưng khi các đơn vị, địa phương ở tỉnh Quảng Trị tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, giá khởi điểm vẫn neo như thời điểm đất đang sốt. Vì vậy, có đơn vị tổ chức đấu giá nhiều lần, nhưng không có khách nào hàng tham gia.



Các lô đất ở thành phố Đông Hà “đấu đi đấu lại” không có khách hàng tham gia. Ảnh: Hưng Thơ

Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Quảng Trị được xem là đơn vị tổ chức đấu giá thành công nhất, thì tỉ lệ người tham gia và đấu trúng cũng rất thấp.


Vào ngày 26.11.2022, đơn vị trên tổ chức đấu 35 lô đất, thì khách hàng chỉ đấu trúng 2 lô; ngày 10.12.2022 tổ chức đấu 14 lô đất, thì khách hàng chỉ đấu trúng 1 lô; ngày 8.1.2023 tổ chức đấu 30 lô đất, nhưng khách hàng chỉ đấu trúng 1 lô.


Xây dựng giá khởi điểm đấu giá đất phù hợp


Năm 2023, trung ương giao tỉnh Quảng Trị thu ngân sách từ đấu giá quyền sử dụng đất 800 tỉ đồng. Còn tỉnh Quảng Trị đặt ra mục tiêu, phấn đấu sẽ thu được 1.100 tỉ đồng từ đấu giá quyền sử dụng đất.


Tuy nhiên, gần hết quý I/2023, các đơn vị, địa phương đã tổ chức đấu giá, nhưng số tiền thu được chỉ mới vài chục tỉ đồng.


Nguyên nhân được đưa ra, trước hết là do thị trường bất động sản trầm lắng, sức mua giảm, số lượng giao dịch thành công rất ít. Nhưng, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc đấu giá đất không có khách hàng tham gia, là do giá khởi điểm chưa phù hợp với giá thị trường hiện nay. Bên cạnh đó, nhiều lô đất được đưa ra đấu giá có kích thước, diện tích quá lớn dẫn đến giá khởi điểm quá cao, nên chưa phù hợp với thị trường cũng như khả năng tài chính của người dân.


Là đơn vị được giao thu ngân sách từ đấu giá đất lớn nhất tỉnh, với số tiền 350 tỉ đồng, nhưng chỉ mới thu được khoảng 10 tỉ đồng, Trung tâm Phát triển Quỹ đất tỉnh Quảng Trị đã tìm các giải pháp để thu hút khách hàng.


“Nếu giá khởi điểm không được điều chỉnh phù hợp, thì khách hàng sẽ không tham gia. Đồng nghĩa kế hoạch thu ngân sách từ đấu giá quyền sử dụng đất của đơn vị khó hoàn thành. Vì vậy, đơn vị đã đề xuất các giải pháp lên UBND tỉnh” – ông Nguyễn Trí Hữu, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Quảng Trị, cho biết.


Ông Hà Sỹ Đồng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nói rằng, đúng là giá khởi điểm các lô đất của các đơn vị, địa phương đang đưa ra đấu giá chưa phù hợp với thị trường.


“UBND tỉnh Quảng Trị đã giao các đơn vị liên quan xây dựng giá khởi điểm các lô đất đem ra đấu giá đảm bảo nguyên tắc theo pháp luật quy định, phù hợp với giá thị trường tại thời điểm đấu giá và hấp dẫn khách hàng tham gia đấu giá. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đồng ý rà soát, lập hồ sơ điều chỉnh kích thước các lô đất có diện tích lớn sao cho phù hợp với nhu cầu của người dân và quy chuẩn về quy hoạch xây dựng” – ông Hà Sỹ Đồng, nói.



Theo Economist



Theo dõi tiếp các bài viết của chúng tôi tại www.finverse.vn

bottom of page