Thị trường chứng khoán Mỹ có diễn biến trái chiều trong phiên mở cửa ngày thứ ba, trong khi đồng đô la tăng giá khi nhà đầu tư chờ đợi dữ liệu lạm phát sắp tới và các tin tức kinh tế quan trọng khác vào cuối tuần.
Chỉ số Dow Jones (.DJI) giảm 0,35% trong phiên giao dịch đầu ngày, trong khi S&P 500 (.SPX) tăng nhẹ 0,10% và Nasdaq Composite (.IXIC) vươn lên 0,66%. Trái ngược với đà tăng này, thị trường chứng khoán châu Âu không duy trì được động lực từ phiên trước, với chỉ số STOXX 600 (.STOXX) giảm 0,3% do thiếu những thông tin hỗ trợ mới.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng thêm 2,5 điểm cơ bản trong phiên giao dịch đầu ngày thứ ba, trong khi chỉ số đồng đô la – thước đo giá trị đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt như yên Nhật và euro – nhích lên 0,2%
Những sự kiện kinh tế quan trọng vẫn đang được chờ đợi, bao gồm báo cáo chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ vào thứ tư và cuộc họp của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) vào thứ năm.
Báo cáo lạm phát Mỹ sẽ là tâm điểm chú ý, cung cấp thông tin quan trọng về xu hướng giá cả và quyết định chính sách tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. Theo khảo sát của Reuters, 90% các chuyên gia kinh tế dự đoán Fed sẽ cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản tại cuộc họp vào ngày 18 tháng 12. Với ECB, quyết định cắt giảm lãi suất gần như đã được xác định, nhưng các nhà đầu tư vẫn quan tâm đến tín hiệu về chiến lược chính sách dài hạn của ngân hàng này.
Một yếu tố khác góp phần cải thiện tâm lý người dân Mỹ là báo cáo cho thấy niềm tin của doanh nghiệp nhỏ trong tháng 11 đã đạt mức cao nhất trong gần 3 năm rưỡi.
Chỉ số chứng khoán toàn cầu MSCI (.MIWD00000PUS) giảm nhẹ 0,14% hôm thứ hai, phản ánh phản ứng từ thông báo của Trung Quốc rằng các quan chức Đảng Cộng sản đã chuyển chính sách tiền tệ từ "thận trọng" sang "nới lỏng vừa phải" trước thềm Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương trong tuần này, thể hiện cách tiếp cận tương tự trong những cuộc khủng hoảng trước đây.
Ông Trần Thục Cẩn, chuyên gia nghiên cứu tài chính và bất động sản tại Jefferies, nhận định rằng giọng điệu của thông báo từ Bộ Chính trị Trung Quốc lần này là "mạnh mẽ nhất trong nhiều thập kỷ qua".
Cổ phiếu Trung Quốc diễn biến trái chiều vào thứ ba trong bối cảnh thị trường Châu Á - Thái Bình Dương tăng trưởng mạnh, sau khi Phố Wall giảm điểm khiến S&P 500 và Nasdaq Composite tụt khỏi mức cao kỷ lục trước dữ liệu lạm phát quan trọng.
Chỉ số CSI 300 của Trung Quốc đại lục tăng 0,74%, thu hẹp mức tăng trước đó và đóng cửa ở mức 3.995,64, trong khi chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm 0,2% tính đến giờ giao dịch cuối cùng.
Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Trung Quốc đã đạt mức thấp kỷ lục vào thứ Ba và gần đây nhất là ở mức 1,893%.
Chỉ số Kospi chuẩn của Hàn Quốc tăng 2,43% và dẫn đầu mức tăng trong khu vực, đóng cửa ở mức 2.417,84 và đánh dấu ngày tốt nhất trong gần ba tháng.
Trong khi đó, chỉ số vốn hóa nhỏ Kosdaq tăng 5,52% lên 661,59 khi các nhà đầu tư tiếp tục theo dõi tình hình chính trị của đất nước.
Hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap đưa tin, lãnh đạo đảng đối lập chính, Lee Jae Myung, cho biết đảng của ông sẽ thông qua dự luật ngân sách cắt giảm cho năm tới thông qua phiên họp toàn thể vào cuối ngày.
Chỉ số S&P/ASX 200 của Úc giảm 0,36% và đóng cửa ở mức 8.393, sau khi Ngân hàng Dự trữ Úc giữ nguyên lãi suất chuẩn ở mức 4,35% lần thứ 10 liên tiếp.
Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 0,53% và đóng cửa ở mức 39.367,58, trong khi Topix tăng 0,25% lên 2.741,41.
Các nhà giao dịch cũng đặt kỳ vọng vào việc cắt giảm lãi suất tại châu Âu và Canada vào cuối tuần, với khả năng Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ sẽ giảm tới 50 điểm cơ bản nhằm kiểm soát sự tăng giá mạnh của đồng franc so với đồng euro.
Tiến Sơn
Theo dõi tiếp các bài viết của chúng tôi tại www.finverse.vn
Comentários