Thời gian gần đây, các ngân hàng truyền thống liên tục gặp sự cố. Sau khi các ngân hàng lớn ở Mỹ thông báo phá sản và ngừng hoạt động như Silvergate Bank, Silicon Valley Bank và Signature Bank, một ngân hàng lớn ở Thụy Sĩ là Credit Suisse đã theo gót dòng sự kiện khi lộ tin đồn có khả năng phá sản.
Chuyện gì đang xảy ra với Credit Suisse?
Credit Suisse là ngân hàng lớn thứ hai của Thụy Sĩ, chỉ sau UBS Group AG. Đây cũng là định chế tài chính cực kỳ quan trọng trong hệ thống tài chính toàn cầu khi có các hoạt động diễn ra khắp Châu Âu, Châu Á và Hoa Kỳ. Khối tài sản mà Credit Suisse nắm giữ ước tính khoảng 580 tỷ USD vào cuối năm 2022, gấp đôi Silicon Valley Bank, ngân hàng đã phá sản vào tuần trước.
Giống như Silicon Valley Bank, lượng tiền gửi tại Credit Suisse cũng bị rút ra đáng kể trong những quý gần đây. Cụ thể, trong quý 4/2022, hơn 110 tỷ franc Thụy Sĩ đã bị rút ra khỏi hệ thống ngân hàng Credit Suisse do một loạt vụ bê bối, rủi ro di sản và lỗi tuân thủ quy định tiếp tục hoành hành.
Cuối năm 2022, Credit Suisse lỗ ròng 8 tỷ USD, khoản lỗ hàng năm lớn nhất lịch sử. Vào ngày 15/3, cổ phiếu Credit Suisse sụt giảm hơn 20% khi cổ đông lớn nhất với 9.9% cổ phần Credit Suisse, Ngân hàng Quốc gia Ả Rập Xê Út, từ chối đầu tư thêm vào ngân hàng này.
Nhìn vào lịch sử giao dịch, cổ phiếu của Credit Suisse đã giảm liên tục 85% kể từ tháng 2/2021 với tác động từ sự sụp đổ của Greensill, Archegos, liên quan rửa tiền...
Sự kiện này cũng khiến các nhà đầu tư lo lắng về khả năng phục hồi của hệ thống ngân hàng toàn cầu và khiến giá cổ phiếu ngân hàng ở cả Mỹ và châu Âu lao dốc.
Sự kiện này cũng khiến các nhà đầu tư lo lắng về khả năng phục hồi của hệ thống ngân hàng toàn cầu và khiến giá cổ phiếu ngân hàng ở cả Mỹ và châu Âu lao dốc.
Tại Mỹ, các chỉ số chứng khoán lớn như S&P 500 và Nasdaq Composite lần lượt giảm 1.5% và 1%. Tại châu Âu, chỉ số chứng khoán ngân hàng châu Âu (SX7P) đã giảm 6.1%. Cổ phiếu của ngân hàng Thụy Sĩ UBS giảm 6.8%, các ngân hàng Pháp BNP Paribas và Societe Generale đều giảm hơn 11% do lo ngại rằng các mối liên kết tài chính với Credit Suisse có thể lan rộng. Nếu tình huống của Credit Suisse không được xử lý tốt, điều này sẽ gây ra những làn sóng xung kích cho toàn bộ lĩnh vực ngân hàng.
Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ cho biết trong một tuyên bố rằng họ sẽ cung cấp thêm thanh khoản cho Credit Suisse nếu cần thiết. Vào ngày 16/03, Credit Suisse cho biết họ sẽ vay 54 tỷ USD Mỹ từ ngân hàng trung ương Thụy Sĩ để củng cố thanh khoản và niềm tin của nhà đầu tư.
Điều này cực kỳ quan trọng đối với sự sống còn của Credit Suisse và ngăn chặn sự sụp đổ của hệ thống tài chính toàn cầu. Hành động này đã giúp giảm sự lao dốc của thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu, khiến các nhà đầu tư bớt sợ hãi.
Credit Suisse cũng là ngân hàng ứng dụng công nghệ blockchain mạnh mẽ. Vào năm 2021, Credit Suisse đã tạo cổ phiếu được phát triển trên Ethereum blockchain. Ngân hàng này cũng nắm giữ 31 triệu USD tiền điện tử cho khách hàng trong năm 2022.
Trước đó, Credit Suisse cũng hợp tác cùng Paxos thí điểm dịch vụ thanh toán Paxos, cho phép trao đổi tiền mặt và chứng khoán chọn lọc được niêm yết tại Mỹ trên phiên bản Ehereum riêng của Paxos.
Dự phóng phản ứng của FED và thị trường crypto
Trong bối cảnh các ngân hàng lớn liên tục gặp sự cố và sụp đổ, niềm tin của nhà đầu tư vào hệ thống ngân hàng lung lay, nhiều nhà phân tích tài chính dự đoán FED sẽ có sự điều chỉnh lãi suất nhằm đối phó với sự căng thẳng trong lĩnh vực ngân hàng này.
CME FedWatch tool là công cụ giúp dự đoán xác suất thay đổi lãi suất của Fed. Theo FedWatch, trong cuộc họp FOMC vào ngày 21-22/3 sắp tới, xác suất tăng lãi suất thêm 0.25% là 65.7%. Nếu FED tăng lãi suất chậm lại nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế toàn cầu, các tài sản rủi ro như Bitcoin và crypto sẽ có sự phát triển tích cực.
Trong thời kỳ hỗn loạn trên thị trường tài chính, các ngân hàng trên thế giới đối mặt với tình trạng phá sản, thị trường crypto nói chung và Bitcoin nói riêng lại giữ vững giá trị của mình, thậm chí còn có sự tăng trưởng. Nguyên nhân được cho là do các nhà đầu tư ngày càng mất lòng tin vào hệ thống ngân hàng khi các vết nứt hình thành trong hệ thống tài chính và quay sang sử dụng DeFi nhiều hơn.
Đồng sáng lập Mechanism Capital, Andrew Kang cho biết: “Bối cảnh vĩ mô cho Bitcoin phát triển chưa bao giờ hoàn hảo hơn thế”.
Những người khác, nhắc lại dòng chữ được ghi trong khối đầu tiên của mạng Bitcoin: “The Times 03/Jan/2009 Chancellor trên bờ vực của gói cứu trợ thứ hai cho các ngân hàng", cho rằng, Bitcoin được tạo ra cho điều này.
Tổng kết
Nhìn xa hơn, Bitcoin và crypto có mối liên hệ chặt chẽ với chế độ tiền tệ của FED. Khi lãi suất tăng, các nhà đầu tư rời bỏ các tài sản rủi ro hơn như cổ phiếu và crypto để đặt cược vào Tín phiếu Kho bạc Hoa Kỳ. Thế nhưng, lãi suất tăng cũng gây sức ép đáng kể lên hệ thống ngân hàng.
Dù vậy, bất chấp mức tăng trưởng gần đây, thị trường crypto vẫn có mối tương quan chặt chẽ với thị trường chứng khoán Mỹ. Nếu thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc trong tương lai, thị trường crypto khó có khả năng tăng trưởng mạnh mẽ.
Theo Coin98
Theo dõi tiếp các bài viết của chúng tôi tại www.finverse.vn
Comments