top of page

Doanh nghiệp lùi kế hoạch bán hàng, nguồn cung bất động sản Bình Dương lao dốc

Thị trường bất động sản Bình Dương đang chịu nhiều ảnh hưởng từ điểm nghẽn pháp lý, dẫn đến việc thiếu hụt nguồn cung, số lượng dự án đủ điều kiện mở bán trên thị trường giảm sút.
Doanh nghiệp lùi kế hoạch bán hàng, nguồn cung bất động sản Bình Dương lao dốc
Doanh nghiệp lùi kế hoạch bán hàng, nguồn cung bất động sản Bình Dương lao dốc

Bất động sản Bình Dương thiếu nguồn cung


Thời gian qua, quỹ đất tại TP.HCM khan hiếm đã khiến làn sóng dịch chuyển đầu tư ra các vùng vệ tinh xung quanh ngày càng gia tăng. Trong đó, Bình Dương đang là một trong những điểm đến thu hút bởi vị trí tiệm cận, giao thoa vùng kinh tế với TP.HCM.


Tuy nhiên, từ cuối năm 2022, thị trường bất động sản Bình Dương đang chịu nhiều ảnh hưởng, khó khăn chung của nền kinh tế. Hệ luy, nguồn cung dự án sụt giảm cùng lượng giao dịch, mua bán cũng lao dốc. Nhiều dự án đang triển khai phải bị ngưng trệ, nằm đắp chiếu do vấn đề pháp lý và thiếu vốn.


Bên cạnh đó, vì vấn đề pháp lý kéo dài, một số doanh nghiệp phải lùi thời gian bán hàng, thay đổi chiến lược ra mắt sản phẩm so với dự kiến.

Bình Dương đang là một trong những điểm đến thu hút nhà đầu tư bất động sản. Ảnh: Gia Linh
Bình Dương đang là một trong những điểm đến thu hút nhà đầu tư bất động sản. Ảnh: Gia Linh

Giám đốc một doanh nghiệp bất động sản tại Bình Dương cho biết vấn đề pháp lý và thị trường ảm đạm khiến đơn vị chưa thể mở bán dự án đúng kế hoạch dự kiến. Nếu pháp lý suôn sẻ, doanh nghiệp đã có thể mở bán dự án căn hộ với quy mô gần 1.000 căn trong nửa sau năm 2023. Tuy nhiên hiện tại, dự án đang bị tắc ở các bước phê duyệt quy hoạch... nên chưa biết đến khi nào mới có thể hoàn thiện hồ sơ pháp lý.


"Tôn chỉ của doanh nghiệp chúng tôi là thực hiện đúng quy định pháp luật, dự án có đầy đủ pháp lý mới mở bán. Vì vậy, trước vấn đề hồ sơ, pháp lý đang tắc nghẽn, nhiều khả năng chúng tôi phải dời dự án tại đầu năm 2024", vị này cho hay.


Ông Nguyễn Lập - một nhà đầu tư bất động sản cho biết, thị trường bất động sản Bình Dương các tháng qua cũng chững lại hẳn. Dự án mới chào sân trên thị trường rất khan hiếm do vấn đề pháp lý cùng khả năng tài chính của doanh nghiệp. Lượng giao dịch chậm thị trường sụt giảm, đa số khách hàng chỉ hỏi giá chưa rất khó xuống tiền đặt mua.


Theo đó, đầu năm 2023, tỉnh Bình Dương chỉ có 5 dự án với tổng số 2.070 căn đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai.


Được biết, các dự án trên bao gồm: Khu nhà ở Sài Gòn Center (500 căn tại phường Uyên Hưng, TP.Tân Uyên), dự án chung cư Ngôi Sao (1.002 căn tại phường Đông Hòa, TP.Dĩ An); khu nhà ở U&I An Phú (178 căn tại phường An Phú, TP Thuận An); khu nhà ở Thuận An Land (103 căn tại TP.Thuận An) và khu nhà ở U&I Thới Hòa (287 tại căn phường Thới Hòa, thị xã Bến Cát).


Tập trung gỡ vướng pháp lý bất động sản


Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương đánh giá, thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều khó khăn. Trong đó, nhiều dự án không triển khai được do vướng một số quy định. Một số dự án nhà ở, bất động sản chậm triển khai do vướng thủ tục pháp lý. Điều này gây lãng phí nguồn lực đất đai, tài chính và tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự tại địa phương.

Bình Dương khan hiếm dự án mới. Ảnh: Gia Linh
Bình Dương khan hiếm dự án mới. Ảnh: Gia Linh

Trước tình trạng nguồn cung dự án sụt giảm, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã có nhiều động thái để tháo gỡ, tạo trợ lực mới cho thị trường sớm phục hồi. Cụ thể, lãnh đạo tỉnh yêu cầu Tổ chỉ đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án bất động sản (Quyết định số 241/QĐ-UBND ngày 13/02/2023) rà soát khó khăn, vướng mắc các dự án bất động sản để giải quyết, tháo gỡ ngay các nội dung thuộc thẩm quyền. Rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý các quy định pháp luật còn chồng chéo, bất cập, gây cản trở trong quá trình triển khai dự án bất động sản.


Bên cạnh đó, Tổ phối hợp các cơ quan, đánh giá nguyên nhân, các vướng mắc pháp lý đối với từng dự án cụ thể đã được chấp thuận chủ trương nhưng chưa hoặc chậm triển khai, để chủ động xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo, đề xuất tháo gỡ trong trường hợp vượt thẩm quyền.


Tổ tập trung lập quy hoạch các khu vực phát triển đô thị, triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh Bình Dương đã được phê duyệt, trong đó, chú trọng kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại phù hợp với từng đối tượng.

Vấn đề pháp lý cần được tháo gỡ để khơi thông thị trường. Ảnh: Gia Linh
Vấn đề pháp lý cần được tháo gỡ để khơi thông thị trường. Ảnh: Gia Linh

Chỉ thị số 10/-CT-UBND đề nghị các doanh nghiệp bất động sản tích cực, chủ động tái cơ cấu lại phân khúc sản phẩm, giá cả, thời hạn và phương thức thanh toán… phù hợp, khả thi, thuận lợi cho khách hàng, người dân, nhất là những đối tượng có nhu cầu thật sự.


Trước động thái từ nhà cầm quyền, ông Ngô Quang Phúc - Tổng Giám đốc Phú Đông Group cho rằng việc tỉnh tháo gỡ khó khăn thị trường bất động sản là tín hiệu vui, là động lực để doanh nghiệp, nhà đầu tư gắn bó nhiều hơn, tăng đầu tư vào tỉnh Bình Dương.


Bởi lẽ, việc một dự án bất động sản có phát triển tốt được hay không phụ thuộc rất nhiều vào khâu pháp lý. Thường để làm một dự án cần rất nhiều quy trình, quy định, thủ tục… Nếu được hỗ trợ về pháp lý, doanh nghiệp sẽ có động thực triển khai dự án, từ đó cung cấp nguồn cung nhà ở cho thị trường.

Theo Dân Việt


Theo dõi tiếp các bài viết của chúng tôi tại www.finverse.vn

bottom of page