top of page
Ảnh của tác giảNam Cao

Chín tháng Đỗ Thành Nhân lũng đoạn chứng khoán bằng 20 triệu cổ phiếu 'rác'

HÀ NỘIĐỗ Thành Nhân, cựu Chủ tịch HĐQT Louis Holdings, mua cổ phiếu "rác" giá 1.000-1.800 đồng và suốt 9 tháng đã dùng nhiều thủ đoạn để thao túng, "thổi giá" tăng gấp 42 lần, VKS cáo buộc.


Sau gần một tháng hoãn xét xử với lý do không được công bố, TAND Hà Nội dự kiến ngày 8/5 xét xử cựu Chủ tịch HĐQT Louis Holdings Đỗ Thành Nhân cùng 7 đồng phạm. Tám người bị truy tố về tội Thao túng thị trường chứng khoán, theo khoản 2, điều 211 Bộ luật Hình sự, hình phạt cao nhất 7 năm tù.


Vụ án xảy ra trong 10 tháng đầu năm 2021, khoảng thời gian bùng nổ mạnh mẽ của đầu tư chứng khoán tại Việt Nam. Theo số liệu của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), trong 2 năm 2020-2021, hơn 1,9 triệu tài khoản chứng khoán cá nhân mới được đăng ký, tức trung bình hơn 2.600 tài khoản lập mới mỗi ngày. 99% trong khoảng 5 triệu tài khoản chứng khoán trên các sàn giao dịch khi đó là nhà đầu tư cá nhân.


Thời điểm này, ông Đỗ Thành Nhân đang là chủ tịch một công ty xuất khẩu gạo. Trước sự sôi động của thị trường chứng khoán, ông Nhân đã đi những nước cờ đầu tiên cho cuộc chơi phi pháp của mình.


VKS xác định, chiến thuật của ông Nhân là thâu tóm một số công ty niêm yết trên sàn chứng khoán nhưng đang kinh doanh bết bát, nợ xấu, giá trị cổ phiếu thấp, có nguy cơ bị huỷ niêm yết. Sau đó, ông ta cho các công ty sở hữu chéo, tạo ra hệ sinh thái Louis Holdings do mình điều hành, với ý đồ thao túng giá cổ phiếu của các công ty này.


Dù mã cổ phiếu của các công ty đều thanh khoản thấp, song để bỏ tiền ra mua một lúc 20 triệu cổ phiếu "rác" này, ông Nhân không có khả năng.


Cú bắt tay 32 triệu USD với Chứng khoán Trí Việt

Cuối năm 2020, ông Nhân muốn mua lại "xác" một công ty cùng 10 triệu cổ phiếu của nó nhưng không có tiền. Ông ta được giới thiệu với Đỗ Đức Nam, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Trí Việt.


Theo thoả thuận, Trí Việt cho ông Nhân vay tiền dưới dạng hợp đồng hợp tác đầu tư chứng khoán. Ông Nhân có trách nhiệm trả lãi cho Trí Việt, kèm 4% lãi ngoài chi riêng cho ông Nam.


Việc vay mượn suôn sẻ, ông Nhân thâu tóm thành công và đổi tên công ty vừa mua thành Louis Land, mã chứng khoán BII. Ông Nhân tiếp tục nhờ ông Nam tư vấn cách thâu tóm tiếp một công ty khác, đổi tên thành Louis Capital, mã chứng khoán TGG.


Tổng giám đốc Trí Việt thống nhất sẽ cùng ông Nhân thao túng hai mã BII và TGG để cùng thu lợi. Hai người vạch ra thủ đoạn: Mượn tên người nhà, nhân viên Louis Holdings để mở các tài khoản chứng khoán tại công ty Chứng khoán Trí Việt; sử dụng các tài khoản này liên tục giao dịch đặt lệnh, khớp mua bán, tạo cung cầu giả tạo cho cổ phiếu BII và TGG để đẩy giá lên cao, sau đó bán tháo, thu lợi bất chính, cáo trạng nêu.


Ông Đỗ Thành Nhân khi làm Chủ tịch HĐQT Louis Holdings, bị bắt tháng 4/2022. Ảnh: Louis Holdings


Để có nguồn tiền thực hiện kế này, ông Nam cần sự phê duyệt của cấp trên tại công ty Trí Việt - Chủ tịch Phạm Thanh Tùng. Nam báo cáo "sếp" Tùng toàn bộ kế hoạch, ngỏ ý muốn để Trí Việt "bơm" vốn cho ông Nhân để Trí Việt được hưởng lãi vay và phí giao dịch. Ông Tùng đồng ý, giao việc này cho Nam.


Cơ quan tố tụng chỉ ra, trong vụ án, ông Nhân được công ty Chứng khoán Trí Việt cho vay tổng hơn 748 tỷ đồng. Sau cái gật đầu của Chủ tịch Tùng, những "nước" tiếp theo được Nam và Nhân thực hiện.


20 triệu cổ phiếu được "thổi giá" tăng 30-40 lần

Ông Nhân dùng danh nghĩa cá nhân, mượn tên 13 người thân, nhân viên công ty mở tổng 17 tài khoản chứng khoán. Các tài khoản này sau đó đều ký hợp tác đầu tư với Trí Việt, thực chất là để thao túng thị trường chứng khoán. Kế hoạch có sự hợp sức của Tổng giám đốc Nam và cấp phó Lê Thị Thu Hương, nhân viên Lê Thị Thuỳ Liên.


Với mã BII, ông Nhân mở màn ngày 8/1/2021 bằng việc dùng tài khoản cá nhân mua hơn 95.000 cổ phiếu đơn giá 1.000 đồng. Hết tháng đó, ông ta dần mua hết 10 triệu cổ phiếu trong khoảng giá 5-6.000 đồng/cổ phiếu, tổng giá trị thương vụ 59,8 tỷ đồng.


Với cổ phiếu mã TGG, Chủ tịch Louis Holdings và đồng phạm bắt đầu mua từ 3/2 cùng năm, ban đầu giá 1.800 đồng/cổ phiếu, sau đó hoàn tất việc mua hơn 10 triệu cổ phiếu còn lại trong khoảng giá 4-5.000 đồng/cổ phiếu. Giá trị vụ mua bán thứ hai là 47 tỷ đồng.


Có hơn 20 triệu cổ phiếu "rác" trong tay, các bị can Nhân, Nam, Hương, Liên bị VKS cáo buộc "liên tục đặt lệnh, khớp lệnh mua bán, tạo cung cầu giả tạo" cho hai mã cổ phiếu này. Nhóm Nhân cũng đặt lệnh mua với khối lượng chi phối vào thời điểm đóng của thị trường, tạo ra mức đóng cửa mới cho BII và TGG.


Cùng thời điểm, cuối tháng 8/2021, trên nhóm Facebook Louis Family do mình tạo ra, có hơn 10.000 thành viên, ông Nhân đăng nhiều bài viết nội dung hô hào: "Từ nay đến cuối năm, BII không được 3X, TGG không được 4X-5X, mọi người cứ chửi thoải mái".


Các bài đăng hô hào, "lùa gà" của ông Đỗ Thành Nhân trên nhóm Facebook Louis Family. Ảnh: Chụp màn hình


Nhà chức trách cáo buộc, những bài đăng thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia giao dịch, mua bán BII và TGG, đẩy giá lên cao dẫn đến hai mã này liên tục nhiều phiên tăng trần.


Hệ quả của chuỗi hành vi này, từ các cổ phiếu giá trị thấp nhất chỉ từ 1.000 đồng/cổ phiếu, giá BII lập đỉnh 33.800 đồng/cổ phiếu, ngày 18/9, tức được thổi giá lên 34 lần. Còn cổ phiếu TGG, 7 tháng trước được nhóm ông Nhân mua gom với giá từ 1.800 đồng, đã lập đỉnh 74.800 đồng ngày 22/9/2021, tức tăng giá 42 lần, theo thống kê của VKS.


Suốt quá trình này, ông Nhân được Trí Việt cung cấp tối đa nguồn tiền để thao túng thị trường. Khi ông Nhân không còn hạn mức để đủ điều kiện giao dịch, được Hương đề xuất với Trí Việt phê duyệt cấp thêm. Toàn bộ quá trình, ông Nam và bà Hương đều báo với Chủ tịch Tùng.


Tháng 8 và 9/2021, khi các cơ quan báo chí bắt đầu đưa tin về những bất thường trong giao dịch của TGG và BII, ông Tùng vẫn chỉ đạo ông Nam tiếp tục phê duyệt cho Nhân vay tiền để thao túng thị trường. Tùng dặn dò Nam xoá dấu vết bằng cách "chia nhỏ các khoản vay, tránh bị cơ quan thẩm quyền phát hiện kiểm tra", cáo trạng nêu.


Cuối năm 2021, khi bị cơ quan quản lý Nhà nước thanh tra, Tùng chỉ đạo cấp dưới thay toàn bộ ổ cứng máy tính, xoá toàn bộ tin nhắn liên quan phi vụ với Nhân "để che giấu hành vi phạm tội", VKS cáo buộc.


Quá trình lấy lời khai tại cơ quan điều tra và cho đối chất với Nam, ông Tùng đều phủ nhận liên quan. Ông cho rằng chỉ biết công ty mình cho vay để các tài khoản giao dịch hai mã BII và TGG, không biết, không chỉ đạo việc thao túng giá như cáo buộc.



Trong 9 tháng, nhóm Đỗ Thành Nhân thu hơn 152 tỷ đồng từ thao túng thị trường chứng khoán. Số tiền này được cơ quan tố tụng xác định là thiệt hại vụ án.


Phân tích dòng tiền này, VKS xác định, tháng 10/2021 khi kết thúc các phi vụ lũng đoạn thị trường, 16/17 tài khoản còn số dư cổ phiếu BII và TGG. 152 tỷ đồng trên được "chuyển vào nhiều ngân hàng để hoà lẫn số dư tiền gửi và việc kinh doanh các cổ phiếu khác". Vì vậy, cơ quan công tố không đủ cơ sở phân tích dòng tiền, bóc tách số tiền thu lợi được sử dụng cụ thể ra sao, vào việc gì, cáo trạng nêu.


Trước phiên xét xử, gia đình đã thay ông Nhân nộp 4 tỷ đồng khắc phục hậu quả. Khoảng 40 triệu cổ phần của bị can này tại Louis Holdings và các công ty cùng "hệ sinh thái" cũng bị kê biên, ngăn chặn giao dịch.


13 cá nhân, công ty cho ông Nhân mượn tên mở tài khoản tại Trí Việt không bị xử lý. Cơ quan điều tra xác định họ là nhân viên, người nhà, quan hệ lệ thuộc, thực hiện theo yêu cầu của ông Nhân và không được hưởng lợi.


Về trách nhiệm của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và TP HCM (HoSE), nhà chức trách cho rằng các nhân viên tại đây đã giám sát và phát hiện bất thường trong giao dịch 2 mã BII và TGG, có văn bản báo cáo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước để phối hợp điều tra. Cơ quan điều tra xét thấy chưa có đủ căn cứ xác định sai phạm của các cá nhân tại HNX và HoSE và Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước liên quan việc kiểm tra, giám sát thị trường nên không xử lý.



Theo Vnexpress



Theo dõi tiếp các bài viết của chúng tôi tại www.finverse.vn

Comments


bottom of page